Thứ tư, ngày 05 tháng 02 năm 2025
Cập nhật lúc: 15/12/2021

Huyện Ea H’Leo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2030

Trong những năm vừa qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể trên địa bàn huyện đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo được chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

chỉ thi 1

Ảnh: Lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào buôn Treng, xã Ea H'Leo

Song, bên cạnh đó, công tác dân tộc còn không ít khó khăn, hạn chế: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn nhiều; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tãng; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc; thiếu sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hoá của từng vùng, từng dân tộc; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống; cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các chương trình, dự án; cơ chế phân cấp, phân quyền để tạo chủ động cho chính quyền địa phương chưa hợp lý; quy trình thủ tục đầu tư công chưa phù họp với điều kiện, đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công tác dân tộc thiếu thống nhất; một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ngày 14/12/1021, Huyện Ủy Ea H’Leo ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2030. Để triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2030. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị" xã hội của huyện cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

- Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế " xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Ke hoạch số 160-KH/TU, ngày 30/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và Chỉ thị số 18- CT/TƯ, ngày 25/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2030.

Xác định rõ công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số, để có cơ sở đề ra giải pháp xử lý phù hợp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng, chủ động định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

chỉ thị 2

Ảnh: Tiết mục hát then, đàn tính tại lễ hội Thanh Minh tại xã Cư Amung

Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiếu số; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc trong tình hình mới. Đảng ủy các xã, thị trấn phân công một đồng chí ủy viên ban thường vụ trực tiếp phụ trách công tác dân tộc.

- Hội đồng nhân dân huyện rà soát, xây dựng hệ thống vãn bản của huyện về cơ chế, chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội:

+ Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của từng địa phương trong huyện; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.

+ Rà soát, quy hoạch xây dựng khu dân cư đảm bảo không gian sinh hoạt cộng đồng, môi trường sinh thái phù hợp với các yếu tố truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn.

+ Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách đặc thù của huyện. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, nhất là tại xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo mạng lưới giao thông nông thôn được thông suốt; nâng cấp các công trình điện, thủy lợi, nước sạch ở khu vực nông thôn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

+ Đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học; xây dựng và kiện toàn các thiết chế văn hóa; phát triển hợp lý mạng lưới chợ, điểm kinh doanh buôn bán. Hoàn thiện hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và thông tin cơ sở đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, sản xuất; đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị:

+ Ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế có lợi thế của từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ cấu lao động hợp lý; đưa công nghiệp, dịch vụ về nông thôn; xây dựng và thực hiện chính sách nhằm khuyến khích hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân người dân tộc thiểu số.

+ Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp theo hương sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị và tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

+ Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, tạo thị trường cho sản phẩm; có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các vùng khó khăn; hỗ trợ khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc ít người:

+ Đa dạng hóa các loại hình trường, lớp; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện, trung tâm học tập cộng đồng. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

+ Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn nhằm thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, các ngành, nghề phi nông nghiệp.

+ Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở. Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc ít người được tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, tỉnh, Trung ương thông qua chính sách Bảo hiểm y tế.

+ Tiếp tục quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong huyện gắn với du lịch sinh thái, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội: Tăng cường công tác giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nắm vững tình hình an ninh chính trị, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các nội dung của Chỉ thị; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy kết quả thực hiện…/.

Nguồn: Tuyết Mai – Phòng VH&TT  

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang